(Xem thêm thông tin về Hàng không quốc gia)
(Ảnh: dddn.com.vn)
Theo phân tích của những người am hiểu lĩnh vực hàng không, quyết định ngừng bay đối với một hãng hàng không là chuyện chẳng đặng đừng, vì ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh cũng như lợi ích kinh tế của hãng. Theo ông Trương Thành Vũ, Giám đốc thương mại và dịch vụ của Air Mekong, hãng tạm ngưng khai thác để tiến hành chuyển đổi đội máy bay gồm bốn chiếc Bombardier CRJ900 (90 chỗ) do Canada sản xuất. Air Mekong khai thác những chiếc máy bay này từ cuối năm 2010, hiện được đánh giá là không phù hợp với mục tiêu và kế hoạch của hãng. Hãng này dự định sẽ trả đội máy bay cho các nhà cung cấp từ tháng Ba để tìm loại khác thích hợp hơn. “Chúng tôi chưa quyết định chọn loại máy bay của hãng nào để thay thế”, ông Vũ cho biết. Ông Vũ cũng giải thích, Air Mekong chưa quyết định thời điểm bay trở lại bởi còn phụ thuộc vào việc thuê máy bay.
Thực tế trên cho thấy, lý do tái cơ cấu mà hãng này đưa ra có vẻ không thuyết phục cho lắm. Nếu đúng là Air Mekong muốn thay đổi máy bay thì hãng hoàn toàn thay thế từng chiếc một, không cần phải ngừng bay toàn bộ. Bên cạnh đó, việc thua lỗ đối với một hãng hàng không non trẻ như Air Mekong là điều không thể tránh khỏi, khi những ông lớn như Vietnam Airlines (VNA) hay Jetstar Pacific Airlines (JPA) còn không có lời. Theo thông tin từ ông Vũ, năm 2012, Air Mekong đạt hệ số ghế 82%. Đây là con số khá tốt, nếu so với JPA (91%). Tuy nhiên, Air Mekong khai thác máy bay loại nhỏ, chỉ có 90 ghế. Trong khi JPA đạt hệ số ghế 91%, khai thác máy bay loại lớn với 180 ghế mà còn không có lời, thì Air Mekong nắm chắc phần lỗ.
Đến VNA cũng chịu không nổi, phải đề nghị cơ quan chức năng xem xét việc điều tiết kế hoạch tăng máy bay của các hãng bởi năm qua thị trường hàng không nội địa chỉ tăng 1,8% so với năm 2011, đạt 12,1 triệu lượt khách. Việc tăng nhanh đội máy bay khai thác sẽ khiến thị trường ngày càng thừa cung, đẩy các hãng hàng không lún sâu vào lỗ lã, thậm chí ngừng bay đối với các hãng tư nhân, mà Indochina Airlines là điển hình. Liệu có thêm một hãng hàng không tư nhân nữa phá sản như Indochina Airlines hay không vẫn còn là dấu chấm hỏi, dù những tín hiệu từ thị trường và từ chính Air Mekong cho thấy hãng đang gặp khó khăn.
Thực tế, năm 2012, dù có thêm sự tham gia của VietJet Air nhưng thị trường chỉ nhích nhẹ thêm 1,8%. Điều này có thể thấy, nhu cầu đi lại của người dân gần như không thay đổi. Để kéo khách, các hãng đua nhau khuyến mãi, đặc biệt là VietJet Air. Nhìn trước mắt thì người tiêu dùng được hưởng lợi trong cuộc đua giảm giá của các hãng hàng không, nhưng về lâu dài, chính người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng khi các hãng tư nhân không thể cứ bù lỗ mãi để giảm giá, hoặc ngừng bay. Khi đó, người tiêu dùng sẽ rơi vào cảnh thiếu sự lựa chọn trong các chuyến bay của mình. Chẳng hạn như từ tháng Ba tới, khi Air Mekong ngừng bay, hành khách sẽ không có lựa chọn thứ hai khi bay đến Đà Lạt, Côn Đảo, Buôn Mê Thuột… ngoài VNA.
Theo các chuyên gia hàng không, cạnh tranh là cần thiết, nhưng cần có sự điều tiết để vừa bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng, vừa bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển. Liệu VietJet Air trụ được bao lâu với chính sách khuyến mãi ồ ạt, cũng như tăng nhanh đội máy bay của mình khi thị trường vẫn chưa thực sự sáng sủa? Thị trường đang hoàn toàn nghiêng về người tiêu dùng nhưng lại dẫn đến việc các hãng triệt tiêu lẫn nhau. Khi thị trường trở về độc quyền, người tiêu dùng sẽ lãnh đủ.
Ca Hảo
Nguồn: Báo Phunuonline.com.vn
Xem thêm bài viết về Hàng không
0 nhận xét:
Đăng nhận xét